Cây hoàng liên chân gà
Đặc điểm thực vật:
Hoàng liên thuộc cây thân thảo, sống nhiều năm, cây cao tầm 15 – 35 cm. Thân cây mọc thẳng, phân nhánh; cây có nhiều rễ nhỏ. Lá mọc so le nhau, mọc từ thân rễ lên, cuống lá khá dài từ 6 – 12 cm. phiến lá co 3 -5 lá chét, lá chét chia thành nhiều thuỳ, mép có răng cưa.
Trục cây có 2 hay nhiều nhánh mang hoa. Hoa hình mũi mác dài bằng ½ lá đài, lá đài màu vàng lục. Quả đại có cuống, chứa khoảng 7 – 8 hạt có màu xám.
Phân bố:
Cây mọc ở nơi có độ cao từ 1500 – 1800 m. Cây được tìm thấy ở Trung Quốc, có nhiều ở Tứ Xuyên, Hồ Bắc.
Ở Việt Nam, cây mọc trên dãy Hoàng Liên Sơn.
Cây hoàng liên thích hợp trồng ở nơi ưa lạnh, mát ẩm thấp, nhiệt độ nơi trồng dưới 30oC, đất dễ tháo nước. Nếu trồng cây, có thể bón phân chuồng, phân xanh; đất chua có thể dùng vôi để khử chua.
Trồng trọt:
Cây trồng bằng hạt bằng cách trộn hạt với cát theo tỉ lệ 1:1 rồi đem gieo.
Thu hái:
Thời gian: cuối mùa thu, đầu màu đông.
Đối với hoàng liên trồng thì thu hái sau 4 – 5 trồng.
Đào cả cây đem về, loại bỏ đất cát, cắt thân, bỏ lá sau đó đem phơi hay sấy khô.
Bộ phận dùng:
Thân rễ của cây hoàng liên.
Đặc điểm dược liệu: các mẩu rễ cong queo, có nhiều đốt và phân nhánh, nhìn giống chân gà nên còn gọi là hoàng liên chân gà. Rễ có màu vàng nâu, còn dấu vết của rễ phụ và cuống lá. Thể chất cứng, rắn, gỗ màu vàng tươi, không mùi, vị rất đắng.
Thành phần hoá học:
Các alcaloid, trong đó quan trọng nhất là berberin, ngoài ra còn có Worenin, coptisin, palmatin, jatrorrhizin, magnoflorin. Tỉ lệ alcaloid trong cây thay đổi theo theo từng thời kì sinh trưởng và theo thời tiết.
Thành phần khác: tinh bột, acid hữu cơ.
Công dụng:
Hoàng liên có tác dụng chữa lỵ amip và lỵ trực khuẩn; dạng thuốc sắc, ngày 3 -6 g, chia 3 lần.
Tác dụng chữa viêm dạ dày ruột.
Chữa đau mắt đỏ: nhỏ dung dịch hoàng liên vào mắt.
Tác dụng chữa bệnh sốt nóng nhiều, khó ngủ, trĩ, thổ huyết, chảy máu cam, viêm nhiễm, mụn nhọt.
Chế phẩm berberin dùng để chữa tiêu chảy, lỵ,nhiễm khuẩn.